Tiếp tục hiện đại hóa quản lý thuế thương mại điện tử
11/01/2023
Với việc triển khai nhiều biện pháp quản lý thuế thương mại điện tử, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian qua, số thu thuế từ kinh doanh thương mại điện tử và nền tảng xuyên biên giới đã đạt kết quả khả quan. Để đạt hiệu quả hơn nữa đối với lĩnh vực này, ngành Thuế tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hiện đại hóa công tác quản lý thuế.
Mạng xã hội Facebook là một trong những đơn vị nước ngoài đã đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, từ năm 2018 đến nay, cơ quan thuế đã thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ số khoảng 1.215 tỷ đồng. Số thu tăng qua các năm và năm 2022 số thu đạt khoảng 700 tỷ đồng, gấp 2,7 lần số thu năm 2021.
Về quản lý thuế đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Bằng Thắng cho biết, kể từ thời điểm Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài ra mắt (tháng 3-2022), đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng với tổng số tiền thuế đã nộp là hơn 3.444 tỷ đồng, trong đó có 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn là Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple, chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam. Việt Nam hiện là 1 trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến.
Có thể khẳng định, kết quả trên có được là từ nỗ lực triển khai các giải pháp của ngành Thuế. Bởi kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng số xuyên biên giới là một lĩnh vực khá mới, phát triển mạnh mẽ không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Tổng cục Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính ký kết thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước… phục vụ công tác quản lý thuế.
Đồng thời, ngành Thuế đã và đang hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung đối với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan để bảo đảm căn cứ pháp lý thống nhất và đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế xây dựng kế hoạch kiểm tra, đối chiếu thông tin theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử đối với một số doanh nghiệp trong nước và một số nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.
Đặc biệt, cùng với việc đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, ngành Thuế cũng triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile), hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân tra cứu nghĩa vụ và nộp thuế điện tử. Mới đây, Tổng cục Thuế kích hoạt Cổng thông tin thương mại điện tử (Cổng thông tin điện tử kết nối dữ liệu với sàn thương mại điện tử), đáp ứng các yêu cầu về tiếp nhận bản kê khai dữ liệu của sàn giao dịch thương mại điện tử trong trường hợp sàn thương mại điện tử thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử chỉ cần cung cấp thông tin qua Cổng thông tin của Tổng cục Thuế bằng phương thức điện tử, mà không phải cung cấp thông tin cho từng cơ quan thuế theo cách thức thủ công như trước đây. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung này phục vụ hiệu quả việc quản lý thuế theo rủi ro, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kê khai nộp thuế và bảo đảm bảo mật thông tin.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, ngành Thuế đang đẩy mạnh công cuộc số hóa trong quản lý thuế. Đây là bước tiến phù hợp với thời đại, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng kê khai và nộp thuế.
Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục hiện đại hóa quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ người nộp thuế theo hình thức điện tử. Đặc biệt, ngành Thuế chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử.