Danh mục

HÀNH TRÌNH MỘT NĂM CHIẾN DỊCH PHỔ CẬP CHỮ KÝ SỐ CÁ NHÂN

21/02/2024

Trong chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đặt mục tiêu 50% dân số trưởng thành sở hữu chứng thư số vào năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trực tiếp là Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) đã phối hợp cùng Câu lạc bộ Chữ ký số (CKS) và giao dịch điện tử Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) công cộng triển khai nhiều giải pháp. Nổi bật nhất trong số đó chính là chiến dịch tuyên truyền, phổ cập CKS cá nhân miễn phí cho người dân.

 Tổng kết 1 năm chiến dịch phổ cập chữ ký số cá nhân:

  • 07 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng tham gia;
  • 18 địa phương triển khai;
  • Hơn 260.000 chứng thư số miễn phí được cấp.

Trong chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đặt mục tiêu 50% dân số trưởng thành sở hữu chứng thư số vào năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trực tiếp là Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) đã phối hợp cùng Câu lạc bộ Chữ ký số (CKS) và giao dịch điện tử Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) công cộng triển khai nhiều giải pháp. Nổi bật nhất trong số đó chính là chiến dịch tuyên truyền, phổ cập CKS cá nhân miễn phí cho người dân.

Hà Nội - điểm kích hoạt chiến dịch

Trong bức tranh phát triển chuyển đổi số (CĐS) nói chung, xã hội số nói riêng, CKS được coi là một trong 8 yếu tố đặc trưng quan trọng nhất. Việc sở hữu chứng thư số sẽ cho phép thực hiện mọi dịch vụ trên không gian mạng một cách nhanh chóng, tiết kiệm, toàn trình từ đầu đến cuối mà không cần phải hiện diện trực tiếp. CKS đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, nhưng chủ yếu được sử dụng trong các cơ quan, doanh nghiệp (DN), tổ chức. Khái niệm này dường như còn rất mới mẻ đối với người dùng cá nhân. Để CKS phát huy được hết khả năng của mình, NEAC đã xác định việc tuyên truyền cho người dân và toàn xã hội hiểu rõ hơn về lợi ích và cách thức sử dụng CKS là nhiệm vụ quan trọng nhất, từ đó người dân có thể tự tin hơn tham gia vào các hoạt động kinh tế số, xã hội số.

Được sự ủng hộ, hưởng ứng, tạo điều kiện của Sở TT&TT Hà Nội, UBND Quận Hoàn Kiếm và Đoàn thanh niên Quận Hoàn Kiếm sự kiện khai trương gian hàng cấp miễn phí CKS cho công dân trên phố đi bộ Bờ Hồ đã trở thành điểm khởi đầu cho chuỗi hoạt động của chiến dịch tuyên truyền phổ cập CKS cá nhân cho người dân trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và các đại biểu cắt băng khai trương gian hàng cấp miẽn phí CKS tại phố đi bộ Bờ Hồ (Ảnh: HL)

Ngay trong ngày khai trương gian hàng đã thu hút sự quan tâm của hàng chục cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình và đặc biệt hàng nghìn người dân có mặt trên phố đi bộ Bờ Hồ. Thật may mắn, khi tôi được tham gia đồng hành cùng chương trình này, được chứng kiến sự chuyển mình đổi thay ngoạn mục của đất nước chúng ta.

Không ít những bạn trẻ, là sinh viên của các trường đại học, những con người của thời đại mới, của công nghệ số đã ghé thăm các gian hàng, tìm hiểu và không ngần ngại, họ đã đăng ký ngay cho mình một chứng thư số. Các bạn trẻ cho biết sau khi được giới thiệu về chứng thư số, họ cảm thấy rất thích thú khi chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên thiết bị di động là đã có thể ký kết các văn bản mọi lúc mọi nơi trong khi tính bảo mật lại an toàn hơn so với cách ký truyền thống.

Điều bất ngờ không tới từ những người trẻ, vì họ đã được tiếp cận với công nghệ từ rất sớm và có thể tiếp cận và đón nhận những phương thức mới một cách nhanh chóng. Từ một góc nhỏ trên con phố đi bộ, một cô bán hàng nước đã không kìm được sự tò mò của đám đông đang tụ tập quanh các gian hàng cũng lân la lại hỏi chuyện. Cô cho biết: “Cô bán nước ở đây suốt nhiều năm qua, chỉ quanh quẩn trong cái góc nhỏ này, có đi đến đâu mà cần CKS”.

Nhưng sau khi được biết, có thể dùng CKS để thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) trên cổng dịch vụ công (DVC) mà không cần phải đến các cơ quan đơn vị để khai báo, đôi mắt cô rạng rỡ: “Tốt quá rồi, giờ cô già yếu, chân thì đau nhức, mỗi lần đi ra phường khai báo là lại thấy ngại. Vậy cho cô xin một cái nhé!”. Vừa nói cô vừa cẩn thận rút trong túi ra chiếc điện thoại thông minh mà cô tích góp mua được chỉ để dùng gọi video (video call) với gia đình người con đang làm ăn xa. Vậy là từ nay chiếc điện thoại này đã có thêm tác dụng, nó giúp cô không còn phải lặn lội bỏ hàng bỏ quán đi làm TTHC.

Trong số những người tham quan các gian hàng, có sự xuất hiện của những người nước ngoài. Chứng thư số đã không còn xa lạ với những người này, nhưng họ lấy làm bất ngờ với tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật của Việt Nam. Họ đánh giá cao nỗ lực CĐS toàn diện, nhanh chóng của đất nước chúng ta khi đã áp dụng triệt để những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới phục vụ cho đời sống của người dân.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, theo chương trình, cứ mỗi cuối tuần, các CA công cộng lại thay phiên nhau trực tại gian hàng. Nắng, nắng như đổ lửa. Mưa, mưa tầm tã, rả rích. Rét, rét căm căm thấu da xuyên thịt. Những ngày này phố đi bộ Bờ Hồ trở nên vắng tanh, không một bóng người. Vậy, là chương trình thất bại rồi sao? Không, với quyết tâm mạnh mẽ, sự sáng tạo không ngừng nghỉ, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của đoàn thanh niên Quận Hoàn Kiếm, chúng tôi đã có phương án mới. Đó chính là linh hoạt thời gian hoạt động của gian hàng. Khi sớm tinh mơ, ánh nắng còn chưa quá gắt, lúc chiều buông xuống, người dân ra đường dạo phố.

Kết thúc chuỗi hoạt động trên phố đi bộ cùng các hoạt động hỗ trợ cấp chứng thư số tại các bộ phận một cửa trên khắp địa bàn Hà Nội đã đem lại những hiệu quả tích cực. Hơn 60.000 chứng thư số được cấp ra, các cán bộ một cửa cũng như tổ công nghệ số cộng đồng đã có thể hướng dẫn người dân đăng ký và sử dụng CKS.

Đến vạn dặm hành trình phổ cập

Tiếp nối thành công của chương trình tại Hà Nội, chúng tôi lên đường trên một chặng hành trình dài đến các địa phương trên cả nước. Khởi đầu cho chuyến đi là tỉnh Yên Bái. Xác định CĐS là bước đột phá để phát triển kinh tế, xã hội, cả hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái cùng vào cuộc, thực hiện việc CĐS từ cộng đồng dân cư, thôn bản, xã phường đến các cơ quan đơn vị nhà nước. Mặc dù vậy, song tỷ lệ tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước được cấp và sử dụng CKS còn thấp, chưa đến 2%. Chính vì vậy, hoạt động tuyên truyền của NEAC tại đây là hết sức cần thiết. Với gần 7.000 chứng thư số được cấp đến thời điểm hiện tại, tuy còn khiêm tốn nhưng đã thể hiện được sự nỗi lực của toàn tỉnh với điều kiện hạn chế về khoa học kỹ thuật.

TP. HCM, luôn đi đầu trong các hoạt động CĐS, được chọn làm đô thị kiểu mẫu trong đánh giá xếp hạng đô thị thông minh (ĐTTM) trên toàn thế giới. Trong kế hoạch phát triển năm 2023, UBND Thành phố đã chỉ đạo phải đạt 100% TTHC đủ điều kiện cung cấp dưới dạng trực tuyến. Để vận hành được DVC trực tuyến thì việc số hóa và ứng dụng CKS để pháp lý hóa hồ sơ số của người dân, kết quả xử lý TTHC của cơ quan nhà nước là yêu cầu bắt buộc. Hành động quyết liệt ngay từ đầu và về đích với hơn 54.000 chứng thư số, TP. HCM khẳng định thế mạnh của mình.

Thanh Hóa-S, Huế- S là hai trong số những ứng dụng CĐS được xem là điển hình trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, ĐTTM tại các địa phương. Có thể nói rằng những ứng dụng này đã làm thay đổi cơ bản và toàn diện phương thức kết nối giữa cơ quan hành chính nhà nước với DN và người dân. Các vấn đề bức xúc, tồn tại xã hội đã hiện diện ngày càng nhiều hơn, rõ hơn thông qua sự tham gia phản ánh của người dân, DN. Cách thức tiếp nhận, xử lý các vấn đề của cơ quan nhà nước hoàn toàn thay đổi thông qua quy trình số đã khắc phục hạn chế những bất cập tồn tại trước đây. CKS chính là mắt xích quan trọng nhất để những nền tảng số này trở thành nền tảng xã hội tiêu biểu, khiến mọi người dân đều biết đến. Tính đến cuối năm 2023, số chứng thư số miễn phí đã được cấp tại Thanh Hóa và Huế lần lượt là 44.855 và 13.681. Đây là một con số ấn tượng khi cả hai đều là những địa phương không có thế mạnh về phát triển công nghệ.

“Một chuyến đi đáng nhớ” là cách mà chúng tôi gọi cung đường lên Điện Biên lần này. 12 tiếng ngồi xe, Điện Biên đón đoàn với một cơn mưa tầm tã. Với đặc thù một tỉnh miền núi xa xôi, địa hình khó tiếp cận nên việc triển khai CKS ở đây gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Hơn nữa trình độ dân trí còn hạn chế cũng như việc nhiều người dân chưa sử dụng thiết bị di động. Tỷ lệ chứng thư số/tổng số dân tại đây chỉ đạt 0,75%, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố. Chính vì lý do này, chúng tôi đã quyết tâm tuyên truyền về lợi ích của CKS tại đây. Thành công trong việc phổ cập CKS ở Điện Biên có thể được xem là mô hình tiêu biểu để khẳng định sự cần thiết của CKS trong các hoạt động xã hội thường nhật của người dân.

Những bài toán khó cần giải đáp

"Có CKS nhưng không có ứng dụng để ký thì cũng không thể làm được gì" - chính là câu hỏi mà chúng tôi được nhận nhiều nhất trong chương trình. Đây cũng là điều mà NEAC cũng đang tìm kiếm lời giải đáp. Nếu chỉ sử dụng trên các cổng DVC thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Chính vì vậy, NEAC đã có nhiều nghiên cứu, tham khảo mô hình triển khai từ các quốc gia trên thế giới để giải quyết vấn đề này. Quan trọng hơn hết, Luật Giao dịch điện tử 2023 khi có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy các dịch vụ tin cậy có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Một cán bộ xã tại Đắk Lắk có đặt câu hỏi: “Hiện nay, người dân đang thực hiện bán các sản phẩm nông sản ra thị trường quốc tế. Liệu CKS của Việt Nam có được công nhận tại các quốc gia này hay không?”. NEAC đang nỗ lực thúc đẩy việc công nhận chéo chứng thư số giữa các quốc gia, khi tham gia làm thành viên chính thức của Liên minh hạ tầng khóa công khai Châu Á (APKIC) và các tổ chức xác thực điện tử uy tín khác trên thế giới. Trong một tương lai không xa việc ký kết các hợp đồng giao dịch quốc tế bằng CKS của Việt Nam là điều có thể.

Năm 2023 khép lại, nhưng chuyến hành trình tuyên truyền phổ cập CKS đến người dân vẫn còn đang tiếp diễn. Hơn 260.000 chứng thư số cá nhân được cấp ra mặc dù chưa đạt được kỳ vọng của mục tiêu nhưng hiệu quả của chương trình mang lại không chỉ đến từ những con số. Số lượng người dân biết về CKS và những lợi ích mà nó đem đến đã tăng vượt bậc mặc dù chúng tôi chưa đi được 1/3 chặng đường. Tạm kết thúc năm 2023 để nhìn lại những gì đã đạt được và cả những hạn chế cần khắc phục để tiếp tục chuyến hành trình tốt đẹp hơn, sức lan tỏa mạnh mẽ hơn ở phía trước.

Nguồn: NEAC


Tin tức hoạt động liên quan khác

Thành viên - Hội viên

  • Địa chỉ : 155 An Trạch - Quận Đống Đa - TP. Hà Nội
  • Điện thoại : 024 62901028
  • Email : vcdc@vnisa.org.vn
  • Website: www.vcdc.vn