Tin tức Mới
Năm 2023 là năm thứ hai Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia – NEAC (Bộ TT&TT) phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, đánh giá chất lượng dịch vụ các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng. Tuy nhiên, do năm 2022 việc đánh giá được thực hiện thí điểm nên đây là lần đầu tiên kết quả khảo sát, đánh giá được công bố, vinh danh công khai.
Giám đốc NEAC Tô Thị Thu Hương đề nghị, cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, thời gian tới các CA công cộng tập trung vào mục tiêu phát triển thị trường chứng thư số cá nhân.Lễ công bố kết quả khảo sát, đánh giá chất lượng dịch vụ của các CA công cộng năm 2023 vừa được Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia phối hợp cùng Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam tổ chức ngày 19/1 tại Hà Nội, trong khuôn khổ hội nghị giao ban quý IV/2023 giữa NEAC và các CA công cộng.
Bên cạnh danh hiệu ‘Top 5 CA có chất lượng dịch vụ tốt nhất năm 2023’ thuộc về VNPT-CA, Viettel-CA, CA2, FPT-CA và MISA-CA, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia và Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cũng công bố và trao 5 danh hiệu khác cho các CA công cộng.
Cụ thể, EASYCA được ghi nhận là ‘CA tuân thủ pháp luật tốt nhất năm 2023’; Viettel-CA là ‘CA được các bên ứng dụng đánh giá tốt nhất năm 2023’; và CA2 là ‘CA có trải nghiệm khách hàng tốt nhất năm 2023’. Hai danh hiệu ‘CA có ứng dụng công nghệ và dịch vụ đa dạng nhất năm 2023’ và ‘CA có thị phần và giá tốt nhất năm 2023’ cùng thuộc về VNPT-CA.
Các danh hiệu ghi nhận nỗ lực của các CA công cộng tiêu biểu trong năm 2023 kể trên được chọn vinh danh căn cứ trên kết quả khảo sát, đánh giá theo bộ tiêu chí CA-Index 2023.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Phùng Huy Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cho biết, nhờ hàng loạt hoạt động của NEAC, đến cuối năm 2023, kết quả đánh giá cho thấy các CA công cộng đã dần tiệm cận nhau về chất lượng, với tổng điểm đều từ mức khá trở lên, có những chỉ số thành phần rất sát nhau, cách biệt không nhiều. “Có thể thấy, các CA công cộng đều có cơ hội nâng điểm để củng cố chất lượng dịch vụ”, ông Phùng Huy Tâm nhận xét.
Cũng theo đại diện Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, bên cạnh việc kiểm tra hợp chuẩn, hợp quy cùng các điều kiện của quản lý nhà nước, bộ chỉ số CA-Index hằng năm cũng đóng góp vào thúc đẩy hơn nữa chất lượng dịch vụ và niềm tin của thị trường cho mảng dịch vụ tin cậy, bằng cách công bố và truyền thông rộng rãi bộ chỉ số này.
“Quan trọng hơn cả là bộ chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ CA công cộng cung cấp cái nhìn độc lập để mỗi CA có thể rút kinh nghiệm, điều chỉnh các nội dung cần cải thiện. Bộ chỉ số như một tấm gương hỗ trợ các CA kiểm chứng thêm. Chúng tôi cũng khuyến nghị thời gian tới NEAC xem xét bổ sung khảo sát về các chỉ số thách thức và chính sách quan trọng liên quan, chẳng hạn như rủi ro chiết khấu, chữ ký số cho mảng giao dịch ngân hàng, công vụ”, ông Phùng Huy Tâm nhấn mạnh.
Là bộ tiêu chí do NEAC chủ trì xây dựng với sự hợp tác của Viet Analytics, CA-Index 2023 gồm 6 chỉ số thành phần: Tính tuân thủ pháp lý của các CA công cộng; Công nghệ và tính đa dạng của dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; Thị phần của các CA công cộng và giá của các gói dịch vụ; Trải nghiệm của khách hàng; Sự thuận tiện của các bên ứng dụng khi hợp tác với các CA; Hoạt động kinh doanh thông qua đại lý.
Đại diện đơn vị thực hiện khảo sát cho biết, mục đích của bộ chỉ số CA-Index là nhằm tổng hợp từ việc thăm dò mức độ hài lòng của khách hàng; đánh giá của bên ứng dụng; rà soát, đánh giá của chuyên gia, nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra một báo cáo đánh giá chi tiết về chất lượng dịch vụ của các tổ chức CA công cộng. Báo cáo sẽ là căn cứ hỗ trợ việc đề xuất các phương án, chính sách quản lý hoạt động chứng thực chữ ký số phù hợp trong thời gian tới, cũng như nguồn tài liệu tham khảo tin cậy để khách hàng mới có thể tìm kiếm, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng.
Để có đủ số liệu cần thiết phục vụ cho việc tính toán các chỉ số CA-Index 2023, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình thu thập dữ liệu cho từng nhóm chỉ tiêu với 4 phương pháp nghiên cứu và khảo sát chính gồm khảo sát trực tuyến; khảo sát khách hàng bí mật; nghiên cứu tại bàn, đánh giá của chuyên gia; và khảo sát trực tiếp.
Quy mô khảo sát của CA-Index 2023 là 3.140 khách hàng, gồm cả khách hàng là doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Trong đó, 2.730 khách hàng được lấy ngẫu nhiên từ danh sách các CA cung cấp, các khách hàng này được gửi phiếu đề nghị đánh giá trực tiếp cho CA; 410 phiếu được lấy ngẫu nhiên từ cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp mới thành lập của Sở KH&ĐT các tỉnh trong năm 2023.
Theo báo Vietnamnet
BẢN QUYỀN 2021 © CÂU LẠC BỘ CHỮ KÝ SỐ VÀ GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ VIỆT NAM. VUI LÒNG GHI RÕ NGUỒN.