Danh mục

An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công

26/11/2021
Ngày 25/11, VNISA phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Ngày An toàn Thông tin 2021 với chủ đề "Niềm tin số - Yếu tố quyết định thành công của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia".
 
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021
Ngày 25/11, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) đã phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021 với chủ đề "Niềm tin số - Yếu tố quyết định thành công của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia". Với sự có mặt của hơn 1.000 khách tham dự phòng hội thảo online và 2.000 người theo dõi trực tiếp qua nền tảng mạng xã hội. 
Theo Ban tổ chức, đây là diễn đàn quan trọng cấp quốc gia để cộng đồng an ninh mạng trong nước và quốc tế đóng góp ý kiến, phân tích thực trạng, nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ, giải pháp an toàn thông tin phục vụ cho chuyển đổi số và an toàn thông tin cho giai đoạn thích ứng với dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trung bình mỗi năm, mỗi người trên toàn cầu bị 3-4 cuộc tấn công mạng. Càng ý thức cao về sự không an toàn thì càng an toàn. Chúng ta có trên 90 triệu máy điện thoại thông minh, hàng chục triệu PC, laptop, máy tính bảng. Nhưng đa số các thiết bị cá nhân này chưa được cài phần mềm bảo vệ. Chúng ta có gần 3 triệu camera và đã có những hình ảnh riêng tư bị lộ lọt trên mạng. Rất nhiều camera chưa được đánh giá an toàn thông tin và chưa được cài đặt chức năng bảo mật.
Trên thế giới, mới có 60% dự án phát triển phần mềm áp dụng quy trình Phát triển - An toàn thông tin - Vận hành. Ở Việt Nam, con số này còn thấp hơn nhiều. Vì vậy mà còn rất nhiều những lỗi lập trình sơ đẳng đã gây mất an toàn thông tin nghiêm trọng. Nếu những phần mềm này là các nền tảng số quốc gia thì hậu quả là rất lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh đến những yếu tố quan trọng để bảo đảm an toàn thông tin như: ý thức về an toàn thông tin, tăng cường sử dụng công nghệ số để chống lại sự lộ lọt thông tin, chấp nhận rủi ro, phải có các nền tảng công nghệ Make in Vietnam, mọi nền tảng số quốc gia phải được phát triển an toàn, được đánh giá an toàn và được sử dụng an toàn.
 
Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020
Theo Bộ trưởng, muốn an toàn thì phải có các sản phẩm an toàn thông tin Make in Vietnam. Chuyển đổi số quốc gia là toàn dân và toàn diện, là tất cả các ngành, các lĩnh vực và mọi người dân. Và vì vậy mà thị trường là vô cùng rộng lớn, là cơ hội cho các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng phát triển. Bảo vệ Việt Nam thì tốt nhất vẫn là vũ khí Việt Nam và theo cách Việt Nam. Người Việt Nam có cảm thấy an toàn khi chuyển đổi số hay không là phụ thuộc vào các nền tảng số Việt Nam có độ an toàn cao, phụ thuộc vào sự bảo vệ của các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam.
An toàn phải được xuất hiện trong mọi khâu, từ phát triển đến đánh giá và đến sử dụng. Không được coi nhẹ ở bất cứ khâu nào. Tất cả các khâu này phải tuân theo các chuẩn về an toàn thông tin. Cục An toàn thông tin của Bộ phải ban hành các chuẩn này và tổ chức đánh giá, Bộ kêu gọi các chuyên gia tiếp tục phát hiện lỗ hổng bảo mật sau khi đã đưa phần mềm vào sử dụng. Hàng năm, Việt Nam sẽ vinh danh top 50 chuyên gia bảo mật có đóng góp cho việc phát hiện lỗ hổng bảo mật của các nền tảng số quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề cập đến an toàn trong việc thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân, phải tăng cường hợp tác quốc tế, thường xuyên truyền thông về an toàn thông tin đến người dân. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Muốn an toàn thì phải làm cho chuyển đổi số quốc gia an toàn. Chuyển đổi số quốc gia bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ngày An toàn thông tin năm nay, tôi yêu cầu cần làm rõ, đảm bảo an toàn thông tin cho các nền tảng số quốc gia như thế nào, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, đảm bảo an toàn cho các thiết bị truy cập internet của người dân. Không chỉ là nhận thức, mà phải là làm một cách thiết thực, hiệu quả".
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, muốn an toàn thì phải hợp tác quốc tế. Bởi vì, Internet, không gian mạng là toàn cầu. Chỉ có sự chung tay toàn cầu thì không gian mạng mới an toàn. Truyền thông thường xuyên, liên tục về an toàn thông tin đến mọi người dân, mọi tổ chức là điều kiện tiên quyết về đảm bảo an toàn thông tin. Trong thế giới thực mỗi nhà đều có cái cửa, cái khoá thì trong thế giới số mỗi thiết bị truy cập, mỗi kho dữ liệu của mỗi người cũng phải có cái cửa, cái khoá. Nhưng để điều nhỏ nhoi này trở thành thói quen hàng ngày của mọi người thì lại là một chặng đường dài của nhận thức và có vai trò quan trọng của truyền thông.
Muốn an toàn thì phải làm cho chuyển đổi số quốc gia an toàn. Chuyển đổi số quốc gia bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cần làm rõ, đảm bảo an toàn thông tin cho các nền tảng số quốc gia như thế nào, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, đảm bảo an toàn cho các thiết bị truy cập Internet của người dân. Không chỉ là nhận thức nữa mà phải là làm như thế nào một cách thiết thực, hiệu quả.
Nhìn nhận về vấn đề an toàn thông tin trong thời gian dịch COVID-19 cũng như liên hệ những biện pháp chống dịch hiệu quả với những biện pháp để Việt Nam thực hiện đảm bảo an toàn thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, kinh nghiệm chống dịch là Nhanh - Nhỏ - Gần - Cơ động. Xét nghiệm nhanh, khoanh vùng nhỏ, điều trị gần và cơ động ứng cứu nhau. An toàn thông tin cũng cơ bản là vậy. Công thức chống dịch thì liên tục phát triển, từ 5K rồi đến vaccine, rồi đến công nghệ, rồi đến ý thức người dân... Công thức phòng chống tấn công mạng cũng phải liên tục phát triển. Do đó, Cục An toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin cần tổng kết những kinh nghiệm, công thức đảm bảo an toàn thông tin để phổ biến ra toàn dân.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, cơ hội chuyển đổi số mang tính thời điểm, nếu không nắm bắt sẽ qua đi. Thời gian 3 năm, 5 năm tới là giai đoạn quyết định thành bại của quá trình chuyển đổi số quốc gia. An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công. Để xây dựng quốc gia thịnh vượng, cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong điều kiện đảm bảo an toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục phát triển các giải pháp an toàn thông tin Make in Viet Nam, đồng thời có những biện pháp tổng thể để tạo dựng niềm tin số cho người sử dụng internet.
Trong thời gian dịch COVID-19, việc sử dụng internet gia tăng, mã độc tống tiền, các loại virus, hành vi lừa đảo trên mạng cũng phát triển nhiều hơn. Từ quý I đến quý III/ 2021, theo thống kê của Cục An toàn thông tin, đã có hơn 5.000 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020. Cơ hội chuyển đổi số, cũng giống như bất kỳ cơ hội nào, chỉ mang tính thời điểm, nếu không nắm bắt nó sẽ qua đi. Trong 3 năm, 5 năm tới đây sẽ là giai đoạn quyết định thành bại của quá trình chuyển đổi số quốc gia. An toàn thông tin mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công. Sứ mệnh bảo đảm an toàn thông tin mạng cho chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được trao cho Bộ TT&TT, Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam, các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ số, các chuyên gia an toàn thông tin Việt Nam. Chúng ta hãy cùng chung tay bảo đảm không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh.
Cùng với các giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người sử dụng internet, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam chia sẻ, trong năm 2022, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liện quan để thực hiện các chương trình như Chương trình chìa khóa vàng nhằm tôn vinh quảng bá các sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin Make in Viet Nam; Cuộc thi sinh viên an toàn thông tin Asean nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về an toàn thông tin; Cuộc thi học sinh với an toàn thông tin nhằm bổ sung kỹ năng an toàn số cho các công dân số trẻ tuổi…
Bên cạnh Hội thảo là triển lãm trực tuyến với gần 30 gian hàng giới thiệu các giải pháp công nghệ an toàn thông tin tiên tiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước./.
Theo Bnews

Tin tức hoạt động liên quan khác

Thành viên - Hội viên

  • Địa chỉ : 155 An Trạch - Quận Đống Đa - TP. Hà Nội
  • Điện thoại : 024 62901028
  • Email : vcdc@vnisa.org.vn
  • Website: www.vcdc.vn