Danh mục

21 địa phương đã tích hợp chữ ký số vào Cổng dịch vụ công

29/06/2023

Trong 6 tháng cuối năm nay, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia sẽ tiếp tục cùng các cơ quan, đơn vị tích hợp chữ ký số vào Cổng dịch vụ công của các tỉnh, thành phố còn lại trên toàn quốc.

Trong 6 tháng cuối năm nay, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia sẽ tiếp tục cùng các cơ quan, đơn vị tích hợp chữ ký số vào Cổng dịch vụ công của các tỉnh, thành phố còn lại trên toàn quốc.

Tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số từ xa vào Cổng dịch vụ công của các tỉnh, thành phố là một trong những nội dung công việc đã và đang được Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia - NEAC cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) công cộng phối hợp với các địa phương triển khai. Việc này tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, qua đó góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại các địa phương.

Bên cạnh đó, thời gian qua, các CA công cộng cũng đã đồng hành cùng với NEAC trong việc phát triển chữ ký số cá nhân cho người dân, thông qua các hoạt động hỗ trợ cấp, phát miễn phí chứng thư số cũng như tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử. Từ đó, thúc đẩy chuyển đổi nhận thức và định hình thói quen mới của người dân, xã hội trong giao dịch điện tử.
 

Hà Nội là 1 trong 21 địa phương đã tích hợp tính năng ký số vào Cổng dịch vụ công của địa phương mình. (Ảnh: Minh Tuấn)

Ghi nhận sự chung tay tích cực của cộng đồng doanh nghiệp CA công cộng cùng với Bộ TT&TT, Giám đốc NEAC Tô Thị Thu Hương cho biết, kết quả khảo sát của Trung tâm cho thấy, 63/63 tỉnh thành đều cho biết đã sẵn sàng tích hợp chữ ký số vào Cổng dịch vụ công. Nhưng thực tế đến nay, mới có 21 địa phương tích hợp thành công chữ ký số vào Cổng dịch vụ công. Với khối bộ, ngành, đã có Bộ Giao thông vận tải và Kho bạc Nhà nước tích hợp thành công. “Như vậy, việc từ giờ đến cuối năm 2023, công việc còn rất nhiều, vì thế đề nghị các doanh nghiệp lưu ý thêm”, bà Tô Thị Thu Hương chia sẻ.

Đối với việc cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, NEAC và các CA công cộng đã phối hợp triển khai tại 7 địa phương gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, TP.HCM và Bình Dương.

Đặc biệt, từ tháng 4/2023, đều đặn vào các dịp cuối tuần, NEAC đã cùng các CA công cộng duy trì hoạt động gian hàng tuyên truyền, cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân Hà Nội trên phố đi bộ Hoàn Kiếm. Tính đến giữa tháng 6/2023, hơn 10.000 chứng thư số đã được cấp cho người dân Hà Nội, trong đó có trên 1.100 chứng thư số được cấp tại phố đi bộ Hoàn Kiếm. Đại diện NEAC và các doanh nghiệp đều thống nhất rằng, ý nghĩa lớn nhất của hoạt động này là đã giúp người dân biết đến sự tồn tại của dịch vụ chứng thực chữ ký số, đưa dịch vụ này ngày càng trở nên phổ biến.

Gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho người dân sẽ được NEAC và các CA công cộng duy trì đến hết tháng 12/2023. (Ảnh: Minh Tuấn)

Chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị đang dẫn đầu thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, ông Nguyễn Đăng Triển, Giám đốc Trung tâm Giải pháp CNTT và dịch vụ số thuộc Viettel Telecom cho biết, Viettel-CA đã phối hợp với các đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Cụ thể như, phối hợp với Sở TT&TT tổ chức họp, lập kế hoạch và phân chia địa bàn để các nhà cung cấp bố trí nguồn lực thực hiện; tổ chức lực lượng phối hợp với UBND quận, huyện, phường xã để tổ chức triển khai; phối hợp tuyên truyền, giải thích cho người dân về lợi ích của việc sử dụng chữ ký số cũng như các môi trường ký đã tích hợp, thiết kế những ấn phẩm, tờ rơi dễ hiểu nhất để tuyên truyền. Cùng với đó, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để được tháo gỡ.

Ông Nguyễn Đăng Triển cũng kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ kết nối, tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số vào Cổng dịch vụ công các tỉnh, thành phố, hoàn thành trong năm 2023 để phát huy hiệu quả của việc cấp chữ ký số miễn phí cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

“Đặc biệt, việc kết nối, tích hợp chữ ký số vào Cổng dịch vụ công quốc gia cần được hoàn thành sớm hơn. Song song đó, các cổng dịch vụ công cần thay đổi luồng quy trình nhằm đảm bảo việc ứng dụng chữ ký số của người dân được thông suốt và toàn trình”, ông Nguyễn Đăng Triển đề nghị.

Nêu đề xuất về chương trình cấp phát chữ ký số để người dân ký dịch vụ công miễn phí, ông Nguyễn Khơ Din, Phó Chủ nhiệm, Tổng thư ký Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, cần xác định rõ phạm vi, quy mô, đối tượng cần ưu tiên cấp để đảm bảo hiệu quả của chương trình và hướng đến tập khách hàng có nhu cầu sử dụng, trước mắt có thể hướng đến đối tượng thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Cùng với đó, để người dân và người dân hiểu tường minh về chương trình, cần xác định rõ thời gian miễn phí là 12 tháng, sau 12 tháng sẽ áp dụng theo chính sách của nhà cung cấp dịch vụ.

Lãnh đạo NEAC đề nghị Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, với vai trò dẫn dắt, tập hợp của mình sẽ tổng hợp, đánh giá phương pháp tiếp cận cũng như triển khai thời gian vừa qua, từ đó xây dựng phương hướng, các hoạt động cụ thể của tất cả các bên có liên quan nhằm tiếp tục thúc đẩy cập chữ ký số cho người dân trong thời gian tới.


Tin tức hoạt động liên quan khác

Thành viên - Hội viên

  • Địa chỉ : 155 An Trạch - Quận Đống Đa - TP. Hà Nội
  • Điện thoại : 024 62901028
  • Email : vcdc@vnisa.org.vn
  • Website: www.vcdc.vn