Ngành Thuế thực hiện linh hoạt các giải pháp quản lý thu trong tình hình mới
29/08/2022
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc tham mưu Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, ngành Thuế đã thực hiện linh hoạt các giải pháp thu, nhờ đó thu ngân sách 7 tháng đầu năm 2022 đạt 77,5% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ thực hiện.
Tăng thu ngân sách qua thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ thuế
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đánh giá, thu ngân sách 7 tháng đầu năm 2022 đạt khá nhờ một số điểm sáng nối bật của nền kinh tế như: Tốc độ tăng trưởng GDP nửa đầu năm tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,74% so cùng kỳ năm 2021 và 2,04% so cùng kỳ năm 2020.
Hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2022 tăng 8,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6% so cùng kỳ...
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn báo cáo tại hội nghị giao ban Bộ Tài chính đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 7/2022 và kế hoạch triển khai chương trình công tác tháng 8/2022. Ảnh: TCT
Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2022 tăng 16% so với cùng kỳ, đây là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Đặc biệt, hoạt động du lịch, vận tải hành khách và hàng hóa phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta 7 tháng đầu năm đạt 954 nghìn lượt người, "bùng nổ" gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Vụ Dự toán thu thuế (Tổng cục Thuế) đánh giá, trong 7 tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã tập trung kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động đảm bảo đưa vào quản lý thuế đối với 100% doanh nghiệp có kinh doanh; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, khai, nộp thuế của người nộp thuế. Xác định chính xác đối tượng, điều chỉnh mức thuế khoán phù hợp với thực tế kinh doanh của từng hộ cá nhân, kinh doanh, chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Một trong những giải pháp toàn ngành thực hiện ngay từ những ngày đầu năm là lập kế hoạch, giao nhiệm vụ và tổ chức triển khai kịp thời kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Xây dựng các kế hoạch thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với các ngành nghề có rủi ro cao về thuế và đề ra các giải pháp triển khai công tác thanh tra, kiểm tra thuế năm 2022. Công tác thanh tra, kiểm tra thuế được đẩy mạnh với nhiều phương án triển khai linh hoạt, phù hợp với sự bình thường mới của nền kinh tế.
Tính đến ngày 15/7/2022, cơ quan Thuế đã thực hiện được 31.088 cuộc thanh tra, kiểm tra đạt 42,09% kế hoạch năm 2022 và bằng 85,97% so với cùng kỳ thực hiện; kiểm tra được 339.960 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 95,05% so với cùng kỳ thực hiện.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt trên 21.665 tỷ đồng, bằng 83,42% so với cùng kỳ thực hiện.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, đã xây dựng kế hoạch, triển khai công tác quản lý nợ ngay từ đầu năm 2022, giao chỉ tiêu thu tối thiểu 80% nợ thuế có khả năng thu và gắn trách nhiệm thu nợ, xử lý nợ đọng cho từng đơn vị. Xác định số nợ thuế không thuộc diện được gia hạn nộp thuế, người nộp thuế không bị (hoặc ít bị) ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19 tiến hành đôn đốc, động viên người nộp thuế thực hiện.
Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý nợ, tính đến cuối tháng 7/2022 toàn ngành Thuế thu được 19.845 tỷ đồng, bằng 47% chỉ tiêu thu nợ năm 2022 được giao.
Hiện đại hóa quản lý thu ở tất cả các khâu
Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, toàn ngành Thuế còn đẩy mạnh công tác hiện đại hóa quản lý thu ở tất cả các khâu, nhằm góp phần chuyển đổi phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời cũng góp phần chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Cán bộ, công chức Tổng cục Thuế tham dự hội nghị giao ban Bộ Tài chính đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 7/2022 và kế hoạch triển khai chương trình công tác tháng 8/2022. Ảnh: TCT
Vụ Dự toán thu thuế cho rằng, với ý nghĩa quan trọng đó, đến 1/7/2022, cơ quan thuế các cấp đã hoàn thành việc phủ sóng toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Cùng với đó, ngành Thuế tiếp tục triển khai cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế thông qua mở rộng ứng dụng eTax trên nền tảng web sang ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh và tiếp theo là ứng dụng eTax Mobile cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi và đảm bảo an toàn, bảo mật khi tra cứu các thông tin về nghĩa vụ thuế, thông tin đăng ký về mã số thuế cá nhân, nhận thông báo thuế, nộp thuế điện tử thông qua liên kết với tài khoản ngân hàng và sử dụng các tiện ích khác... góp phần thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, ngày 21/3/2022, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, NCCNN có thu nhập từ Việt Nam có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế tại bất kỳ đâu trên thế giới thông qua cổng thông tin này, từ đó tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế của NCCNN theo xu hướng quản lý thuế quốc tế.
Sau hơn 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN, đến nay, đã có 26 NCCNN lớn (Microsoft, Facebook, Netfix; Samsung; TikTok; eBay…) đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 20 triệu USD./.